Xóm làng hân hoan khi nước sạch về nhà
Hơn hai nghìn hộ dân xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa không giấu được cảm xúc khi được Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 lắp đường ống nước sạch và công tơ nước đến tận nhà.
Hải Hà, xã nghèo bãi ngang của thị xã Nghi Sơn, đất hẹp, người đông, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải sinh hoạt. Người dân địa phương thường dùng nước sinh hoạt hàng ngày từ nguồn giếng khoan, giếng khơi. Tuy nhiên, theo người dân địa phương: “Các giếng khoan thường sâu dưới 10 m, vì nếu khoan sâu trên 10 m, sẽ gặp tầng bùn đen, nước tanh hôi, chất lượng không đảm bảo. Do vậy, tuy là nước khoan, nhưng thực chất cũng chỉ lấy được tầng nước mặt. Dù giếng khoan hay giếng khơi, thì nước thường lợ, nhiễm mặn”.
Nước mưa thường tràn vào giếng nước sinh hoạt của người dân vào những ngày mưa lớn
Trước đây, chính quyền và người dân xã Hải Hà đã làm việc với nhà máy nước sạch Bình Minh, Khu Kinh tế Nghi Sơn để lắp đường ống nước sạch, tuy nhiên chi phí cao, trong khi người dân không có điều kiện chi trả lắp đường ống nên kế hoạch lắp đường ống không thực hiện được, chỉ một số hộ thôn Hà Bắc, Hà Tân có điều kiện mới chi trả được cho việc lắp đường ống nước sạch.
Theo đề nghị của Chính quyền và nhân dân địa phương, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 mặc dù đang vay tiền từ các ngân hàng quốc tế để xây dựng nhà máy Điện BOT Nghi Sơn 2, với trách nhiệm của “người hàng xóm”, NS2PC đã tài trợ lắp đường ống nước sạch và đồng hồ đến tận nhà cho 2,018. Hiện nay 100% hộ trong xã được sử dụng nước sạch hàng ngày.
Ông Lê Doãn Thịnh, 72 tuổi, thôn Hà Bắc không giấu được niềm vui, khi nói về nước sạch “Nhờ có NS2PC tài trợ lắp đường ống, công tơ, bây giờ nước sạch chảy đến tận bếp nhà mình, thì tiện lợi, phấn khởi quá đi chứ, sao lại không vui được”.
Ông Lê Doãn Thịnh, không giấu được niềm vui khi nước sạch về nhà
“Trước đây, nước sạch là vấn đề nan giải, đặc biệt vào những ngày mưa, nay nhờ sự tài trợ của NS2PC, sự khó khăn về nước sạch đã được tháo gỡ, chúng tôi xem đó là món quà của “người hàng xóm” thân cận tặng, và nay nó đã là tài sản của cộng đồng, nên cộng đồng quản lý, bảo dưỡng, sử dụng rất hiệu quả”- ông Mai Văn Châu, Trưởng thôn Hà Đông chia sẻ.